Đồng bào dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam chủ yếu sống dựa vào nương rẫy và đức tin bên ngoài, họ thờ đa thần. Đó là những vị thần linh được tôn thờ gắn liền với sinh hoạt của người đồng bào, như thần sông, thần núi, thần suối, thần rừng…; gọi chung là các Yang. Có thể nhận thấy, đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu tâm linh rất cao, phong phú và đa dạng.
Đức Phật, trong quá trình du hành thuyết pháp độ sinh nhấn mạnh đến tính chất tùy thuận của Phật giáo. Giáo lý Phật vì vậy mang tính tùy duyên mà bất biến. Trong đó, con số 84.000 pháp môn như là các phương tiện thiện xảo của người đi hoằng đạo, để nhằm mang lại lợi lạc cao nhất cho người tiếp nhận. Vì tùy theo căn cơ, trình độ, nhận thức, hoàn cảnh, phương vị, thời gian, đối tượng mà đức Phật cũng như các thế hệ hàng đệ tử chuyển tải thông điệp giác ngộ đến người hữu duyên, nhằm giáo hóa cho phàm phu biết được đâu là thiện đâu là bất thiện, chuyển phàm thành thánh, chấm dứt nỗi khổ sinh tử luân hồi.
Hoằng pháp hay hoằng dương chính pháp là hoạt động phổ biến giáo lý cao siêu và thiết thực của đức Phật Thích Ca đến mọi nơi, mọi người, mọi giới với mục đích đem lại sự an lạc cho tất cả chúng sinh. Vì vậy, căn cứ vào địa bàn cư trú, phong tục tập quán, sự phát triển không đồng đều của chúng sinh, sự đặc thù của từng cộng đồng tộc người, mà hàng đệ tử xuất gia có những phương cách truyền bá chính pháp khác nhau. Đức Phật thường tri nhận “chúng sinh cang cường, Phật pháp khó nghe, niềm tin khó sinh, thiện tri thức khó gặp, bần cùng có tu”. Bởi vậy, việc hoằng pháp với người bình thường đã khó, càng khó hơn đối với các đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, hoằng dương Phật pháp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải nắm bắt – hiểu biết rõ tất cả những điểm đặc thù của từng dân tộc. Tức là yếu tố Trí Tuệ của người hoằng pháp luôn được đề cao bên cạnh phẩm chất của Bi-Dũng.
Để việc hoằng pháp đối với đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao cần phải có nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, và phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Vì vậy, Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã thành lập Phân ban Hoằng pháp Đồng bào dân tộc thiểu số và đề cử Thượng toạ Thích Minh Thuận; UV Hội đồng Trị sự, Phó trưởng Ban Hoằng pháp TW, làm trưởng Phân ban, với mục đích đẩy mạnh công tác Hoằng pháp đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để bà con được hưởng sự an lạc và mầu nhiệm của Phật pháp. Đồng thời, đó cũng là đáp ứng các chủ trương – chính sách của Đảng và Nhà Nước quan tâm đặc biệt đến đồng bào thiểu số, Việt kiều, hải đảo… để củng cố khối đoàn kết toàn dân; Phật giáo tiếp tục phát huy các giá trị tốt đời đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc.
Trên tinh thần ấy chư tôn đức Tăng Ni trong Phân ban đã không quản gian lao khó nhọc dấn thân tới những miền đất vùng sâu vùng xa, nơi giáo lý Phật đà chưa được phát triển, vận dụng nhiều phương pháp khác nhau để giúp bà con dân tộc thiểu số tiếp cận được với giáo lý đạo Phật nhưng vẫn đảm bảo tính chung nhất trong việc truyền bá chính pháp, giữ gìn đúng tinh thần lời Phật và bảo tồn được bản sắc dân tộc của từng vùng miền. Quý Ngài đã không quản ngại bằng mọi phương cách kham nhẫn, kiên trì, đem Chính pháp của Phật trực tiếp đi vào đời sống của bà con các dân tộc thiểu số; cùng ăn, cùng ở, cùng chung sống, học tập và làm việc với bà con đồng bào; vận dụng sâu sắc giáo lý Tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) để chuyển hóa nhân duyên. Sự xuất hiện của quý Ngài và những hoạt động thiện nguyện giúp đỡ đồng bào, chính là những bài pháp không lời nhưng rất thiết thực, làm lay động lòng người, thức tỉnh tâm thức của bà con. Đó cũng là thể hiện tinh thần “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian giác”, đạo và đời tuy hai mà một, hài hòa như sữa với nước; là tinh thần hiện tại lạc trú của hành giả khi thể nhập lời Phật, an với nơi mình ở, vui với việc mình làm, tâm bồ-đề kiên cố trong hạnh nguyện vị tha sâu sắc biến thành hành động và lẽ sống; nhập thế tích cực mà vẫn vui với cõi đạo riêng.
Phân ban và Ban Biên tập Websits xin trân trọng ghi nhận và tri ân sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni, chính quyền các cấp; các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm và bà con Phật tử đã ủng hộ tịnh tài-tịnh vật giúp cho Phân ban hoàn thành các công việc Phật sự trong thời gian vừa qua. Phân ban mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện và ủng hộ nhiệt tình hơn nữa của chư quý vị để Phân ban hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ngõ hầu giúp cho bà con dân tộc thiểu số hiểu đạo, bớt khổ, đời sống ấm no hạnh phúc; góp phần tích cực cùng với GHPGVN làm “sáng đạo trong đời”, giải quyết các vấn nạn của xã hội, để củng cố và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển một cách an lành thánh thiện.
BBT website
Tin liên quan
Danh sách và chức danh phân ban
DANH SÁCH VÀ CHỨC DANH PHÂN BAN HOẰNG PHÁP ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ